Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa trào ngược dạ dày (GERD) và 3 bệnh ung thư phổ biến. Đây cũng là lời cảnh báo dành cho những người bị trào ngược cần sớm có biện pháp điều trị phù hợp để ngăn chặn biến chứng nguy hiểm do bệnh. Kết quả của nghiên cứu này được đăng tải trên website ecancer.org của Hiệp hội ung thư Mỹ.
Trào ngược dạ dày ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe của bạn?
Trào ngược dạ dày là một trong những bệnh đường tiêu hóa phổ biến trên toàn thế giới. Tại Mỹ, các nhà khoa học ước tính: trào ngược dạ dày ảnh hưởng tới 18,1% – 27,8% người dân.
Trào ngược dạ dày là một trong những bệnh tiêu hóa thường gặp.
Hiện tượng trào ngược không hề xa lạ với bất kỳ ai. Nhiều người thỉnh thoảng bị trào ngược và điều này không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này xuất hiện thường xuyên, diễn ra dai dẳng thì đã trở thành một bệnh lý và bạn cần cẩn trọng. Khi bị bệnh trào ngược dạ dày, bạn sẽ được “thưởng thức” rất nhiều triệu chứng đa dạng khác nhau như: đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, cảm thấy nóng rát ở cổ họng, đau họng, viêm họng, đắng miệng, buồn nôn, đau thượng vị, ho khi nằm (đặc biệt là vào ban đêm)… Hậu quả là bạn sẽ mất đi cảm giác ngon miệng, không muốn ăn; ngủ không ngon giấc. Sức khỏe vì thế cũng giảm sút đi từng ngày.
Không chỉ dừng lại ở đó, axit dạ dày trào ngược và đi thẳng vào các cơ quan khác như thực quản, thanh quản… sẽ gây những tổn thương và nhiều hậu quả khôn lường. Một số bệnh lý mà người bệnh sẽ phải đối mặt là viêm họng, viêm phổi, viêm thanh quản, viêm loét thực quản, hẹp thực quản, barrett thực quản… Nghiêm trọng hơn cả là ung thư thực quản, ung thư thanh quản… ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ các bệnh mắc ung thư của người bị trào ngược như thế nào thì hiện vẫn chưa có số liệu chính xác.
Trào ngược dạ dày – “Kẻ hậu thuẫn” làm tăng nguy cơ mắc 3 bệnh ung thư này
Để có những số liệu cụ thể về mức độ ảnh hưởng, mối liên hệ mật thiết giữa trào ngược dạ dày và các bệnh ung thư, tiến sĩ Christian C. Abnet (Viện Ung thư Quốc gia, thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ) cùng đồng nghiệp đã thực hiện 1 nghiên cứu khoa học trong thời gian dài. Cụ thể, họ đã theo dõi thông tin của 490.605 người trưởng thành đăng ký tham gia nghiên cứu Sức khỏe và Chế độ ăn uống NIH-AARP từ năm 1995-1996. Những người tham gia nghiên cứu đã trả lời bảng câu hỏi về sức khỏe, chế độ ăn uống và lối sống của họ. Qua đó, các nhà khoa học đã thống kê có khoảng 24% người tham gia có tiền sử trào ngược dạ dày.
Trào ngược dạ dày làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản, thanh quản.
Tiếp tục theo dõi thông tin của họ trong 16 năm tiếp theo (từ năm 1995-2021) thì có 2.108 người tham gia phát triển ung thư thực quản hoặc thanh quản, bao gồm 3 loại ung thư sau:
– 931 trường hợp phát triển ung thư biểu mô tuyến thực quản
– 876 trường hợp phát triển ung thư biểu mô tế bào vảy thanh quản
– 301 trường hợp phát triển ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản
Tiến sĩ Christian C. Abnet cho biết: Tại Mỹ, ung thư biểu mô tuyến thực quản là loại ung thư thực quản phổ biến nhất còn ung thư vảy của thực quản và thanh quản rất hiếm. Tuy nhiên, trên toàn cầu, ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản phổ biến hơn nhiều so với ung thư biểu mô tuyến. Đặc biệt, kết quả cho thấy, những người bị trào ngược có nguy cơ phát triển mỗi loại ung thư này cao hơn khoảng 2 lần so với bình thường. Nguy cơ tăng cao tương tự nhau giữa các nhóm phân loại theo: giới tính, thói quen hút thuốc và uống rượu bia.
Các tác giả của nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng: 16,92% trường hợp ung thư biểu mô tế bào vảy thanh quản và 17,32% trường hợp ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản tại Mỹ có thể liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày. Tiến sĩ Abnet hy vọng tương lai sẽ có thêm nhiều nghiên cứu khoa học để xác định mối liên quan giữa trào ngược dạ dày và bệnh ung thư.