Đầy bụng, khó tiêu là những triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày. Nếu bạn muốn sớm chấm dứt tình trạng này thì việc lựa chọn thực phẩm, đồ uống phù hợp là điều đầu tiên bạn cần thực hiện. Sau đây là 7 thói quen ăn uống xấu mà bất kỳ ai bị trào ngược đều cần tránh xa.
Muốn hết đầy bụng, khó tiêu, không lo trào ngược, hãy loại bỏ ngay 7 thói quen ăn uống này!
1. Ăn thực phẩm chứa nhiều carbohydrate và đường
Nhìn chung, carbohydrate cũng như đường và chất xơ đều lên men khi chúng bị phân hủy trong ruột già của bạn. Quá trình này sẽ tạo một lượng khí tích tụ trong ruột kết, gây ra chứng đầy hơi.
Ngay cả những thực phẩm lành mạnh thì cũng có thể chứa carbohydrate. Đặc biệt, một số loại sữa chứa đường lactose có thể gây đầy bụng, khó tiêu. Vì vậy, hơn ai hết bạn là người hiểu rõ thực phẩm nào phù hợp với mình.
2. Sử dụng chất thay thế đường
Điều thú vị là ngay cả thực phẩm được dán nhãn “không đường” cũng có thể gây đầy hơi. Một số chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp được sử dụng để chế biến các loại thực phẩm không đường cần nhắc tới là xylitol, sorbitol, mannitol… Mặc dù có hàm lượng calo thấp nhưng chúng vẫn có thể tạo ra một lượng khí tích tụ, gây đầy hơi.
3. Dùng đồ uống có gas
Người bị trào ngược dạ dày không nên uống nhiều bia.
Soda hoặc bia là những loại đồ uống được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Tuy nhiên, chúng lại chứa bọt khí không có lợi cho hệ tiêu hóa. Các bọt khí trong soda có mùi thơm, khiến bạn cảm thấy thích thú nhưng lại chứa đầy carbon dioxide. Vì vậy, sau khi uống những loại này, bạn rất dễ ợ hơi. Và bất kỳ khí nào bạn không thể ợ ra thì chúng đều đọng lại trong ruột, gây đầy hơi. Tương tự như soda, bia là thức uống chứa gas và carbs lên men từ các loại ngũ cốc nên cũng dễ gây đầy hơi.
4. Ăn nhiều trong 1 bữa
“Bữa ăn lớn” làm dạ dày căng hết mức để chứa đủ lượng thức ăn nạp vào. Việc này không chỉ khiến bạn cảm thấy no, đầy hơi mà gây áp lực lên cơ thắt thực quản dưới. Vì thế, cơ thắt sẽ dễ mở ra, gây trào ngược dạ dày.
5. Ăn khuya hoặc nằm sau khi ăn xong
“Căng da bụng, chùng da mắt”, sau bữa ăn no, việc được chợp mắt sau ăn no thật hấp dẫn với bạn. Tuy nhiên, thói quen này lại đang “tiếp tay” cho chứng trào ngược dạ dày, đặc biệt là khi bạn vừa ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo.
Bởi nằm xuống có nghĩa là các chất trong dạ dày sẽ có cơ hội “rò rỉ” qua cơ thắt thực quản ra ngoài, gây trào ngược. Do đó, nếu bạn bắt buộc phải nằm xuống sau khi vừa ăn no thì hãy nằm nghiêng bên trái hoặc kê cao gối để phần trên của cơ thể cao hơn để có thể giữ các chất trong dạ dày ở đúng nơi chúng cần thuộc về, không trào lên, gây trào ngược dạ dày thực quản.
6. Ăn thực phẩm chứa chất béo, đồ chiên rán
Thông thường, các thực phẩm chứa chất béo thường tiêu hóa chậm và lâu hơn trong dạ dày. Điều này khiến dạ dày của bạn tiết ra nhiều axit hơn. Thậm chí, tệ hơn là các thực phẩm béo này còn có thể làm axit trào lên thực quản, gây ợ chua.
7. Uống nhiều rượu
Rượu là đồ uống chứa cồn làm tăng tiết axit ở dạ dày và giãn cơ thắt thực quản dưới. Từ đó, bạn dễ bị ợ chua và nguy cơ trào ngược vì thế cũng tăng lên tỷ lệ thuận với tần suất uống rượu.
Cơ thể bạn luôn rất tinh tế và nhạy cảm. Hơn ai hết, bạn là người hiểu cơ thể mình rõ nhất và biết cơ thể sẽ phản ứng như thế nào với mỗi loại thực phẩm. Bởi vậy, bạn sẽ đưa ra quyết định đúng nhất nên thưởng thức món ăn nào để không phải lo lắng về chứng trào ngược dạ dày! Chỉ cần biết điều chỉnh chút về chế độ ăn uống của mình, bạn sẽ thấy bệnh trào ngược không còn quá đáng sợ nữa!